Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn không thể thiếu hành trang là các bí quyết lãnh đạo. Đâu là những bài học chúng ta có thể học được từ các nhà lãnh đạo xuất sắc?
Deborah Mills-Scofield là một nhà tư vấn đổi mới chiến lược đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc lên kế hoạch chiến lược và thực thi kế hoạch với các hãng sản xuất, các công ty dịch vụ và công nghệ cao từ các tập đoàn đa quốc gia, công ty cỡ trung bình, công ty mới khởi nghiệp của cả chính phủ và tư nhân. Công ty Đào tạo, Tư vấn, Phát triển Best (Best Training, Consulting, Promoting Co.) giới thiệu những bài học mà Deborah Mills-Scofield học được từ những người chủ của mình.
Ông chủ đầu tiên của tôi ở Bell Labs có tật hay quát tháo nhân viên. Khi ông quát mắng tôi ngay cuộc gặp đầu tiên ở văn phòng, tôi đã đứng dậy, nói với ông rằng khi nào ông ấy cần nói chuyện chứ không phải kêu la thì tôi sẽ tới văn phòng gặp ông và sau đó tôi bỏ ra ngoài. Khi ấy, tôi mới 20 tuổi, mới tốt nghiệp đại học và tôi đã nghĩ rằng đó là bước chuyển biến nghề nghiệp đầu tiên không mấy tốt đẹp của mình. Nhưng khoảng 30 phút sau, ông bước vào văn phòng của tôi và xin lỗi. Kể từ đó, ông chẳng bao giờ la mắng tôi nữa (mặc dù với những thành viên khác thì ông vẫn vậy). Ông là một trong số ba ông chủ hình thành nên sự nghiệp của tôi ở Bell Labs và AT&T và đã dạy tôi cách quản lý người khác và chính bản thân mình. Ông chủ đầu tiên để tôi quyền tự do và tự định đoạt để thực hiện mục đích của mình, chỉ can thiệp để loại bỏ các chướng ngại và tạo nhiều tầm nhìn hơn nữa.
Bài học: Hãy để nhân viên tự bước đi. Khi bạn tìm kiếm được một tài năng, điều bạn cần làm là khích lệ và ủng hộ họ. Đối xử với họ một cách công bằng và làm những điều đúng cho họ và cho tổ chức hơn là đúng riêng cho cá nhân bạn. Tạo cho họ cơ hội để phát huy năng lực và đứng dậy khi họ vấp ngã. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro cá nhân vì những nhân viên đích thực.
Tôi làm việc với ông chủ thứ hai của mình trong khoảng một năm với sự ngưỡng mộ và tôn trọng. Tôi đã tự thành lập cho mình một công việc kinh doanh riêng với kết quả của chính tôi. Ông đã dạy tôi cách thành công ở việc điều hành doanh nghiệp và ủng hộ tôi trên con đường trở thành nhà điều hành. Ông đã cho tôi vay một khoản tiền để thực hiện một dự án và là một cơ hội nghề nghiệp quan trọng. Sau khi dự án được hoàn thành, ông giúp tôi lựa chọn những cơ hội được mở ra cho tôi: ở lại là vị trí của một nhà điều hành, tiếp tục với công việc tôi đã bắt đầu vốn là thành quả của dự án hoặc quay trở lại với tổ chức. Tôi muốn trở lại với ông chủ của mình và với phong cách lãnh đạo tuyệt vời của ông, tuy nhiên, ông đã thăng tiến tôi vào nhóm quản lý của công việc kinh doanh mới.
Bài học: Thắp lửa đam mê và mở lối đi cho nhân viên. Hãy dẫn dắt nhân viên tới sự đam mê của họ. Sự tự quản và tự do tôi được nhận để tạo và thực hiện công việc của tôi thúc đẩy niềm đam mê, sự hào hứng và thành công của tôi. Những người quản lý của tôi cũng luôn theo dõi sát sao để đảm bảo rằng niềm đam mê của tôi phù hợp với hướng đi của tổ chức, cho tôi những giới hạn, nguồn lực và sự chỉ dẫn để thực thi việc đó. Họ gỡ bỏ các rào cản, hướng dẫn tôi cách đối phó với thách thức, cung cấp cơ hội và trao cho tôi sự tín nhiệm. Khi tôi làm việc ở đội quản lý kinh doanh mới của tôi, ông chủ mới của tôi cũng tin vào sự tự quản, lấy khách hàng làm trung tâm và phát triển nhân viên. Kinh nghiệm, cơ hội, thành công, thất bại và những bài học trong giai đoạn khởi đầu đó thật kỳ diệu và chúng tôi đã có rất nhiều niềm vui khi tạo ra một nền văn hóa riêng biệt. Trong khoảng thời gian làm việc cho ông, tôi đã sinh đứa con đầu tiên. Cùng với ưu đãi về thời kỳ nghỉ sinh dài, sự ủng hộ của ông và sự liên lạc từ nhóm làm việc của tôi đã giúp tôi có thể làm việc tại nhà, không phải đi lại mà vẫn tạo được ảnh hưởng quan trọng tới công việc. Không may sau đó, công việc kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều trở ngại và đi xuống, tất cả chúng tôi đều phải rời bỏ công việc. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, sự ngưỡng mộ của tôi dành cho ông chủ vẫn không hề thay đổi.
Bài học: Hãy đối xử với họ như những con người. Nhiều công ty đối xử với nhân viên của họ như những nhân viên một cách rất rộng lượng, hào phóng nhưng không đối xử với họ như những con người. Các nhà quản lý của tôi nhấn mạnh rằng điều làm nên con người tôi không chỉ là những điều tôi có thể thực hiện mà còn là chính bản thân con người tôi. Đó không chỉ đơn giản chỉ là đãi ngộ về thời kỳ nghỉ phép dài hay được linh hoạt làm việc tại nhà. Ví dụ, ông chủ thứ hai của tôi yêu cầu tôi phải nghỉ hai tuần liên tục để nghỉ ngơi. Trợ lý của tôi chịu trách nhiệm mọi thứ khi ấy và ngăn cho tôi không được kiểm tra email. Tôi còn học được từ những người chủ xuất sắc của tôi nhiều bài học khác, trong đó nổi bật nhất là: Sự tin tưởng là trên hết và mọi thứ đều bắt đầu từ sự tin tưởng: học hỏi, tín nhiệm, ý thức về mục đích và sức mạnh đặt công việc lên trên cá nhân.
Khi bạn nhìn vào tổ chức, nhân viên, và văn hóa của bạn, hãy nghĩ xem làm cách nào bạn có thể áp dụng một trong số các bài học đó, có thể đó chỉ là một phần của bài học. Những lợi ích bạn đạt được từ việc áp dụng bài học đó có thể kéo dài hàng thế kỷ.
Best’s comments:
1. Những kinh nghiệm, bài học nhận được từ những người lãnh đạo xuất sắc rất có ý nghĩa đặc biệt là với những người quản lý lãnh đạo: biết được điều nào là đúng cho nhân viên, thắp lửa đam mê và tạo lối đi cho nhân viên, đối xử với họ như những con người bình thường.
2. Để nhân viên phát huy hết năng lực của mình, thắp lên trong niềm đam mê với công việc, cho họ quyền tự do và tự quyết định để đi đến mục tiêu của mình, chỉ can thiệp khi họ gặp trở ngại hay lối đi của họ sai lệch với con đường đi của tổ chức, biết quan tâm không chỉ đời sống công việc mà còn đến đời sống cá nhân của họ.
3. Một bí quyết không thể thiếu của các nhà lãnh đạo giỏi là biết cách lấy được sự tôn trọng, tín nhiệm và trung thành của các nhân viên. Văn hóa của một doanh nghiệp nhiều khi được hình thành từ chính tính cách của người lãnh đạo. Một ông chủ khó tính, hay cằn nhằn rất khó để có thể tạo được môi trường làm việc cởi mở, thân thiện để nhân viên có thể bày tỏ suy nghĩ quan điểm và phát huy hết năng lực của mình. Không chỉ ở vấn đề ứng xử với nhân viên, để gìn giữ và phát triển mối quan hệ với khách hàng, đối tác, các nhà quản lý lãnh đạo cần phải thiết lập một phong cách lãnh đạo phù hợp, khéo léo và hiệu quả.
(Lược dịch: blogs.hbr.org)