Đi tìm con đường dẫn tới Hạnh phúc
Hầu hết mọi người lớn lên với tư tưởng chỉ cần đạt điểm thật cao thời đi học, cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp của một trường đại học danh tiếng và có một công việc ổn định thì sẽ có được hạnh phúc?
Nghe rất quen thuộc phải không?
Vấn đề là đôi khi con đường này lại không thể mang lại hạnh phúc cho bạn.
Vâng, có thể bạn có một gia đình tuyệt vời, một công việc hoàn hảo và một mái ấm hạnh phúc, nhưng bạn vẫn không bằng lòng với cuộc sống của mình và vẫn luôn kiếm tìm thứ gì đó. Bạn làm việc vô cùng chăm chỉ, kiếm được rất nhiều tiền nhưng tại sao bạn vẫn cảm thấy như vậy là chưa đủ?
Bạn có biết hạnh phúc thực sự là khi được nỗ lực hết mình vào những điều mình đang làm, khi hoàn thành được mục tiêu của mình và đó cũng là lúc cuộc sống trở nên có ý nghĩa và mục đích.
Vậy làm thế nào để tìm ra thứ Hạnh phúc này?
Tal Ben-Shahar, giáo sư Tâm lý học của trường Đại học Harvard và cũng là tác giả của cuốn “Hạnh phúc hơn” cho rằng chúng ta cần phải học cách sống đồng thời cho cả hôm nay và ngay mai.
Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng khám phá Mô hình Hạnh Phúc của giáo sư Tal Ben-Shahar và tìm hiểu làm thế nào để áp dụng mô hình này vào việc mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của chính mình.
Giải nghĩa Mô hình Hạnh Phúc
Theo mô hình của Ben-Shahar, có bốn khuôn mẫu mà con người có thể biểu hiện theo cách họ sống:
· Chủ nghĩa Hư vô
· Chủ nghĩa Hưởng thụ
· Chủ nghĩa Ganh đua
· Chủ nghĩa Hạnh phúc
Vậy những cái tên thú vị ở trên mang ý nghĩa gì? Tại sao lại gọi là Mô hình “Hamburger”? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về Mô hình “Hamburger” hạnh phúc để có câu trả lời thỏa đáng.
Như các bạn đã thấy ở hình bên, mô hình được chia thành bốn phần. Trục ngang biểu thị tổn hại và lợi ích trong hiện tại, còn trục dọc biểu thị chúng trong tương lai. (Ví dụ: “làm thêm giờ” là hành động khiến bạn bị “tổn hại” trong thời điểm hiện tại nhưng bạn hi vọng - điều này có thể dẫn tới một “lợi ích” trong tương lai. Vì thế điều này nằm ở góc phần tư ở phía trên bên trái.)
Mỗi góc phần tư biểu thị một khuôn mẫu trong mô hình của Ben-Shahar và mỗi phần này lại phản ánh những sự liên kết khác nhau giữa hạnh phúc hiện tại và lợi ích trong tương lai.
Dưới đây là chi tiết về từng khuôn mẫu.
Chủ nghĩa Hư vô
Chủ nghĩa Hư vô nằm ở góc phần tư bên trái phía dưới của Mô hình Hạnh Phúc.
Những người theo chủ nghĩa Hư vô là những người đã và đang từ bỏ hi vọng trong việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Những người này không hưởng thụ hạnh phúc của hiện tại và cũng chẳng có mục đích hay hi vọng nào cho tương lai. Họ chỉ đơn giản hoàn toàn “phó mặc cho số phận”.
Ví dụ: Ông Jim đã làm giám sát viên cho một công ty gần như suốt cuộc đời mình. Nhưng ông không hề hạnh phúc với công việc của mình và ông cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được tăng lương. Không những vậy, ông cũng chẳng hề tin vào việc mọi việc có thể thay đổi một ngày đó. Và ông sẽ không tự miễn cưỡng mình phải làm việc thật chăm chỉ để có thể thay đổi mọi thứ.
Chủ nghĩa Hưởng lạc
Chủ nghĩa Hưởng lạc nằm ở góc phần tư bên phải phía dưới của Mô hình.
Những người theo chủ nghĩa Hưởng lạc chỉ chú tâm hưởng thụ hạnh phúc trong hiện tại và không mảy may nghĩ đến những hậu quả có thể đến trong tương lai. Họ nghĩ rằng “chăm chỉ làm việc” thật là quá khổ sở và nhàm chán và cố tránh phải “chăm chỉ”. Những người này thường cảm thấy cuộc sống không đủ thách thức và không thỏa mãn.
Ví dụ: Maggie đã làm nhân viên thời vụ ở nhiều công ty đến mấy năm. Cô cứ chuyển hết từ văn phòng này sang công ty khác, cô thành đạt nhờ việc học hỏi được những vị trí mới và quen biết với những đồng nghiệp mới. Nhưng mỗi khi cô bắt đầu cảm thấy làm việc quá dễ dàng ở một công ty, và cô nhanh chóng chán ngán những công việc và đồng nghiệp của mình. Và cô lại xin chuyển công tác.
Như các bạn đã thấy, cuộc sống của Maggie rất vui vẻ và dễ dàng, nhưng cô ấy vẫn không hạnh phúc bởi vì cô không bao giờ thực sự hoàn thành được một việc gì trọn vẹn. Không có những mục tiêu cần hướng tới trong tương lai, cũng chẳng có một mục đích nào cho cuộc sống của mình, Maggie vẫn chưa tìm được hạnh phúc thực sự.
Chủ nghĩa Ganh đua
Chủ nghĩa ganh đua nằm ở góc phần tư bên trái phía trên. Ở khuôn mẫu này, chúng ta thường từ bỏ “hạnh phúc” hiện tại với hi vọng có được những lợi ích trong tương lai.
Khuôn mẫu này có vẻ quen thuộc nhất với đại đa số chúng ta. Chúng ta liên tục theo đuổi những mục tiêu và nghĩ rằng chúng có thể mang lại hạnh phúc. Thế nhưng, khi vừa hoàn thành những mục tiêu này, một mục tiêu mới (kèm theo sự lo lắng và stress) dường như lại ngay lập tức thế chỗ chúng. Những người theo chủ nghĩa Ganh đua có thể được trải nghiệm sự thỏa mãn chớp nhoáng khi họ đã hoàn thành được mục tiêu của mình nhưng những suy nghĩ ít ỏi về niềm hạnh phúc hiện tại ấy rồi lại rất nhanh bị gạt sang một bên và họ lại lao vào những mục tiêu mới.
Ví dụ: Carl đã học tập cực kỳ chăm chỉ suốt thời phổ thông và đỗ vào một trường đại học bậc nhất (những việc mà bố mẹ cậu luôn dạy cậu rằng đó là con đường duy nhất dẫn đến thành công). Khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, cậu chọn ngành kinh tế (trong khi cậu thích học Điện ảnh hơn), và từ bỏ tất cả những chuyến thăm quan hay tiệc tùng với bạn bè để có thời gian học tập.
Khi Carl tốt nghiệp, nhờ có thành tích vượt bậc và kinh nghiệm thực tập, cậu nhận được rất nhiều lời mời vào làm ở các công ty lớn nhỏ. Mặc dù Carl biết rằng lẽ ra mình phải rất hạnh phúc với thứ thành công này, nhưng thực tế lại không như vậy. Cậu lại tiếp tục làm việc thật chăm chỉ, nhưng mỗi khi được tiến cử hay thăng chức ở cậu lại chỉ cảm thấy trầm trọng thêm và không hề vui vẻ.
Chủ nghĩa Hạnh Phúc
Chủ nghĩa Hạnh Phúc nằm ở góc phần tư phía trên bên phải. Khuôn mẫu này phản ánh sự cân bằng hoàn hảo giữa hạnh phúc hiện tại và lợi ích tương lai.
Theo giáo sư Ben-Shahar, hạnh phúc là khi ta có thể tận hưởng được cả cuộc hành trình và cái đích mà mình đang hướng tới. Chúng ta đã học được cách đặt ra mục tiêu cho mình nhưng chúng ta sẽ không chỉ chú trọng vào việc làm thế nào để đạt được những mục tiêu đó bằng mọi giá. Còn có những niềm vui trong hiện tại và cả những ước mơ, hoài bão của chính mình nữa.
Ví dụ: Joan vừa chuyển công tác tới một bộ phận mới của công ty và cô rất háo hức với vị trí mà mình sắp đảm nhận. Cô rất thích công ty của mình và cảm thấy công việc mình làm rất có ý nghĩa và đáng giá. Mặc dù cô có thể lựa chọn làm việc 80 tiếng một tuần nhưng Joan đã từ chối với lí do là dành thời gian cho gia đình của mình cũng là việc vô cùng quan trọng đối với cô. Joan cũng dành một khoảng thời gian hợp lý để làm thêm giờ, nhưng cô vẫn về nhà hàng ngày để nấu bữa tối bên gia đình của mình. Cô đã đạt được mức cân bằng hoàn hảo trong sự nghiệp của mình; cô luôn ở bên gia đình của mình và sống hết mình và hài lòng với sự nghiệp của mình.
Áp dụng Mô hình Hạnh phúc
Giáo sư Ben-Shahar cho rằng việc chúng ta luôn cảm thấy hạnh phúc mọi lúc mọi nơi là điều không thể. Đôi khi chúng ta cần phải từ bỏ hạnh phúc trong hiện tại để có được lợi ích trong tương lai. Ví dụ như khi bạn làm thêm giờ ở công ty để cố gắng hoàn thành một dự án nào đó có thể bạn sẽ phải vất vả thêm trong hiện tại, về nhà muộn… nhưng bạn hi vọng sẽ đạt được nhưng thành quả nhất định trong tương lai (hoàn thành dự án sớm, tăng thưởng trong công ty…)
Đôi khi chú tâm đến hạnh phúc thực tại như những người theo chủ nghĩa Hưởng lạc cũng rất quan trọng. Ví dụ như phơi nắng trên bãi biển hay xem TV không chỉ giúp bạn nghỉ ngơi và hồi sức sau một thời gian dài làm việc căng thẳng mà những hoạt động thư giãn này còn mang hạnh phúc đến với cuộc sống của bạn.
Khi nhìn vào Mô hình hạnh phúc, bạn có thể tự đánh giá xem mình đã dành phần lớn thời gian vào phần nào.
Có phải bạn đang sống một cuộc sống đầy ganh đua, luôn theo đuổi những mục tiêu trong tương lai đánh đổi bằng chính hạnh phúc hiện tại của bạn? Hay cách bạn sống giống với những người Hưởng lạc hơn, lảng tránh những mục tiêu đầy thử thách để kiếm tìm hạnh phúc thường ngày, không cần biết đến tương lai sẽ như thế nào?
Hay có khi nào bạn cảm thấy mình đã có được hạnh phúc? Bạn có đang sống cuộc sống hạnh phúc của ngày hôm nay và nỗ lực hết mình vì mục tiêu dài hạn trong tương lai?
Mô hình Hạnh phúc còn được gọi là Mô hình Hamburger: Để giải thích tên gọi này, Ben-Shahar đã áp dụng sự tương đồng khi ăn những loại hamburger khác nhau. “Hamburger Hư vô” có vị rất tệ và khiến bạn phát ốm. “Hamburger Hưởng lạc” có vị rất tuyệt nhưng lại khiến bạn béo phì. “Hamburger Ganh đua” rất chán nhưng lại tốt cho sức khỏe của bạn, trong khi đó “Hamburger Hạnh phúc” vừa tốt cho sức khỏe lại vừa ngon!
Kết luận:
1. Nếu bạn đang đứng ở một góc phần tư chưa đúng, hãy bắt đầu thay đổi ngay từ hôm nay và điều đó sẽ mang lại sự cân bằng cho cuộc sống của bạn.
2. Hãy áp dụng Mô hình Hạnh phúc để thắp sáng cuộc sống của chính mình, biến nó thành cuộc sống “trong mơ” mà bạn vẫn thường mong muốn. Sức mạnh để thay đổi luôn nằm trong tay chúng ta!
Có thể sau khi đọc xong bài báo này bạn vẫn chưa biết mình đang nằm ở góc nào trong mô hình Hạnh phúc, có đôi khi bạn chỉ tận hưởng những hạnh phúc đang có mà không suy nghĩ đến tương lai sẽ đi tới đâu, đôi khi lại từ bỏ những niềm vui thực tại vì một tương lai không thể biết trước. Câu trả lời là không ai hoàn toàn nằm ở một góc nào của mô hình cả, vấn đề ở đây là bạn cần phải quyết định xem khi nào thì “ganh đua” còn khi nào thì “hưởng lạc” để niềm vui thực tại và lợi ích tương lai luôn cân bằng với nhau. Bạn có nghĩ rằng, nếu biết kết hợp đúng cách thì “Hamburger Hưởng lạc” đi kèm với “Hamburger Ganh đua” sẽ trở thành “Hamburger Hạnh phúc” không?
Cuộc sống của bạn do chính bạn quyết định, khi nào bạn còn hi vọng thì khi đó bạn còn có thể thay đổi để thành công. Đừng bao giờ từ bỏ hi vọng và ăn chiếc bánh “Hư vô” nhé!
Từ khóa:
best,
consulting,
training,
corporate,
vietnam,
hanoi,
business,
dao tao,
tu van,
cong ty,
kinh doanh,
doanh nghiep,
viet nam,
ha noi,
khoi nghiep,
hop tac
|
Người dịch: Mai Anh và nhóm
|