Áp dụng Tâm lý học xoay chuyển Kết quả công việc như thế nào?
Con người chúng ta không giống như những cỗ máy thiếu cảm xúc. Suy nghĩ cảm xúc của một người ảnh hưởng lớn đến kết quả của anh ta. Nhưng làm thế nào để định hướng tới kết quả ưu việt nhất? Bài viết trên Bloomberg BusinessWeek dưới đây sẽ mách nước cho chúng ta cách áp dụng tâm lý học vào thay đổi kết quả dựa trên những giải thích khoa học. Bạn dưới góc độ của Nhà Quản lý, Lãnh đạo, Người đi làm, Ứng viên, Nhà Tuyển dụng, hay những Doanh chủ đếu tìm thấy những điều có thể suy ngẫm và ứng dụng cho chính mình.
1. Áp dụng Tâm lý trong điều khiển các Cuộc họp thế nào?
Hãy bắt đầu các cuộc họp bằng cách chia sẻ thông tin phản hồi tích cực của khách hàng, hoặc hãy để tất cả mọi người chia sẻ câu chuyện thành công của họ gần đây trong một phút hoặc ít hơn. Kết thúc bằng cách hướng tất cả mọi người tới một ai đó hoặc điều gì đó đã tạo nên kết quả hiệu quả hơn trong tuần vừa qua. Cách điều khiển này sẽ kêu gọi sự chú ý của tất cả và thúc đẩy làm việc theo nhóm hiệu quả.
Tại sao nên như vậy?
Nghiên cứu chỉ ra rằng lòng biết ơn, cảm xúc tích cực và sự gắn kết làm nâng cao năng suất, tăng doanh thu, và tăng lợi nhuận. Một nghiên cứu khác cho thấy con người gia tăng rõ rệt (đo đếm được) sự hạnh phúc và liên kết sau khi mọi người chia sẻ câu chuyện thành công của mình.
2. Đánh giá kết quả làm việc thế nào dưới góc độ tâm lý?
Thay vì nhấn mạnh vào các vấn đề, hãy tập trung vào giá trị của những người làm, và tránh việc chỉ trích. Hãy hỏi nhân viên về tự đánh giá điểm mạnh của họ (có thể tự xem tại StrengthsFinder Gallup, hoặc authentichappiness.com). Nếu điểm mạnh của nhân viên không đồng bộ với nhiệm vụ được giao của mình, cố gắng điều chỉnh lại các nhiệm vụ chuyên trách của người lao động theo thế mạnh để anh bạn này có thể làm những gì tốt nhất mỗi ngày.
Tại sao nên như vậy ư?
Nghiên cứu về công việc cho thấy sự công nhận và ghi nhận thúc đẩy kết quả tốt hơn nhiều so với những lời chỉ trích. Một nghiên cứu có tính bước ngoặt gần đây tìm thấy rằng những người cảm thấy hạnh phúc hơn giải quyết các vấn đề phức tạp nhanh hơn. Các giả thuyết khác cho biết những nhận xét tích cực hay hạnh phúc cần nhiều hơn gấp 3 lần so những nhận xét tiêu cực, bởi vì các cảm xúc không vui kéo dài và gây tổn hại.
3. Khi Tuyển dụng nên chọn Ứng viên như thế nào?
Chúng ta tốt nhất hãy chú ý đến tính cách chứ không phải là kỹ năng. Hãy tìm ở các ứng viên những điểm mạnh về cảm xúc, chẳng hạn như có ý thức về mục đích, lạc quan, và khả năng thông minh cảm xúc. Chú ý đến điểm mạnh cảm xúc này sẽ giúp bạn tìm được những nhân viên sẽ có khả năng vượt trội ra ngoài yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tại sao lại như thế nhỉ?
Nghiên cứu cho thấy khi sức mạnh về cảm xúc phù hợp với nhiệm vụ được giao, người lao động có khả năng hoàn thành trôi chảy và nhẹ nhàng các công việc. Mihály Csíkszentmihályi - một trong những người sáng lập môn Tâm lý học tích cực - gọi đó là "dòng chảy" để mô tả trạng thái dễ chịu hấp thụ hoàn toàn một công việc hay nhiệm vụ được giao. Những nhân viên có sức mạnh cảm xúc này – đo theo cách tính của phương pháp Gallup – tạo ra hơn 38% năng suất và có thể đưa ra quyết định tốt hơn so với các nhân viên thông thường.
4. Tập huấn/Hướng dẫn có hiệu ứng về mặt tâm lý như thế nào?
Tập huấn hay Hướng dẫn một giờ hoặc nửa ngày có thể có thể truyền cảm hứng cho nhân viên với một ý thức về mục đích và ý nghĩa về công việc của họ và công ty. Điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến kết quả công việc.
Tại sao nên làm như vậy?
David L. Cooperrider - Giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Quản lý Weatherhead của Đại học Case Western Reserve University - phát minh ra một phương pháp gọi là điều tra đánh giá cao. Ông nói rằng khi các thành viên trong nhóm thảo luận về mục đích lớn hơn của tổ chức và các đóng góp của họ, sự nâng cao tinh thần sẽ tạo ra kết quả có thể đo lường được. Giáo sư Cooperrider đưa ra ví dụ, những người công nhân tại gara xe của chuỗi cửa hàng Roadway Express sau khi tập huấn đã tiết kiệm chi phí 1 triệu USD. Hay các điều dưỡng viên tại bệnh viện khi họ đã xác định mục tiêu "giúp bệnh nhân chữa lành", họ đã đặt nhiều thời gian và tận tâm hơn .
(Xin Chào lược dịch)
1. Cũng là thực hiện công việc, nhưng việc hoàn thành kết quả vượt trội khác hẳn với kết quả thông thường. Dưới góc độ của tổ chức, việc chú ý ứng dụng tâm lý vào doanh nghiệp, như điều hành cuộc họp, đánh giá kết quả công việc, tuyển dụng, hay huấn luyện, hướng dẫn đều cho thấy những kết quả ưu việt.
2. Con người không phải là những cỗ máy thuần túy và không mang cảm xúc. Suy nghĩ cảm xúc của con người ảnh hưởng lớn đến kết quả. Việc hiểu tâm lý, cảm xúc của con người sẽ giúp cho doanh nghiệp tạo ra những kết quả vượt trội nhờ vào những thành viên có sức mạnh về cảm xúc bên cạnh kỹ năng chuyên môn thông thường. Và chúng ta không quên rằng, con người là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững của các doanh nghiệp.
3. Bạn dưới góc độ Nhà Quản lý, Lãnh đạo, Người đi làm, Ứng viên, Nhà tuyển dụng, hay Doanh chủ đều tìm thấy những ứng dụng có thể tham khảo và áp dụng xa hơn nữa từ những chia sẻ này, đem lại lợi ích cho chính mình và tổ chức của mình. Chúc Bạn nhiều thành công.
Best for the Future!