Giúp sáng tỏ hiểu lầm giữa lãnh đạo và quản lý
Quản lý và lãnh đạo nên được phân biệt rõ ràng để giúp các doanh nghiệp thành công hơn. Không ít các tổ chức đổ lỗi việc hoạt động kém hiệu quả cho công tác quản lý kém nhưng bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng là sự lãnh đạo.
Công ty Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Best (Best Training, Consulting & Promoting Co.) giới thiệu bài viết phân biệt quản lý và lãnh đạo của John P. Kotter, diễn giả lừng danh thế giới về các chủ đề Lãnh đạo và Đổi mới.
Một vài tuần trước đây, BBC đã mời tôi tới để phỏng vấn trên đài phát thanh về vấn đề lãnh đạo hiệu quả trong bối cảnh Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giám đốc CIA David Petraeus bị buộc phải từ chức một vài ngày trước đó và bản thân BBC vừa trải qua rắc rối về việc lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc đối thoại nhanh chóng đổi hướng thành một thảo luận xung quanh việc làm sao các cá nhân có thể giữ các tổ chức lớn, phức tạp vận hành hiệu quả và đáng tin cậy. Tôi cho rằng đó không phải là vấn đề lãnh đạo mà là quản lý – hai vấn đề hoàn toàn khác biệt.
Trong hơn bốn thập kỷ nghiên cứu về kinh doanh và tư vấn cho các tổ chức về cách thực hiện các chiến lược mới, tôi không thể nhớ hết được bao nhiêu lần nghe mọi người nói nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ “lãnh đạo” và “quản lý”.
Buổi phỏng vấn một lần nữa cho tôi thấy rằng sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này là rất phổ biến, cả ở trong các cuộc họp bàn về cách xây dựng công ty, định hướng công ty tới thành công và thắng lợi trong thế kỷ 21. Sau đây là 3 nhầm lẫn cơ bản:
Nhầm lẫn thứ nhất: Mọi người coi các thuật ngữ “quản lý” và “lãnh đạo” đồng nhất với nhau bởi họ không thấy được sự khác biệt căn bản cũng như các chức năng, vai trò chủ chốt mà hai vị trí này đảm nhiệm.
Nhầm lẫn thứ hai: Mọi người dùng thuật ngữ “lãnh đạo” để chỉ những người đứng đầu tổ chức. Sau đó, họ gọi những người cấp dưới quyền lãnh đạo trong tổ chức là “quản lý” và những người còn lại được gọi là nhân viên, chuyên viên, và cộng tác viên. Đây cũng là một nhầm lẫn gây hiểu lầm.
Nhầm lẫn thứ ba: Mọi người thường gắn “lãnh đạo” với các đặc điểm cá nhân, thông thường được xem là có tài lôi cuốn (chamisma). Do rất ít người có khả năng thiên phú này nên có thể kết luận rằng rất ít người có thể trở thành lãnh đạo. Cách hiểu này gây nhầm lẫn.
Trên thực tế, quản lý bao gồm việc thực hiện các quá trình như lên kế hoạch, lập ngân sách, cơ cấu việc làm, bố trí công việc, đánh giá hoạt động và giải quyết vấn đề (Các bước giải quyết vấn đề) nhằm giúp tổ chức thực hiện những điều cần thiết để vận hành tốt. Quản lý giúp một tổ chức tạo ra sản phẩm, dịch vụ với chất lượng phù hợp như đã cam kết và đúng với dự trù ngân sách. Cho dù tổ chức ở bất kỳ quy mô và độ phức tạp như thế nào, quản lý cực kỳ là một công việc khó khăn. Mọi người, đặc biệt đối những ai ở vị trí lãnh đạo cấp cao, thường đánh giá thấp độ phức tạp của công việc này. Mặc dù quản lý đóng một vai trò rất quan trọng nhưng không phải là lãnh đạo (Khóa đào tạo Quản lý).
Lãnh đạo lại hoàn toàn khác biệt. Vai trò của lãnh đạo thường được gắn liền với định hướng tương lai cho tổ chức, tìm kiếm các cơ hội một cách nhanh chóng và khai thác thành công các cơ hội này. Lãnh đạo được gắn với tầm nhìn, với sự trao quyền, ra quyết định và trên hết là tạo sự thay đổi có ích. Lãnh đạo không phải là một phẩm chất mà là cách ứng xử. Trong một thế giới đang phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết, lãnh đạo càng trở nên một yếu tố cần thiết cho nhiều người cho dù họ ở bất kỳ cấp bậc nào. Quan niệm cho rằng chỉ một số ít người ở vị trí cao mới có thể đóng vai trò lãnh đạo hiệu quả là một điều sai lầm và dễ dẫn đến thất bại (Khóa học Kỹ năng Lãnh đạo).
Thêm nữa, lãnh đạo và quản lý là hai vị trí có chức năng khác nhau. Chúng ta cần sự quản lý hiệu quả và càng cần sự lãnh đạo hiệu quả hơn nữa. Chúng ta cần giúp một tổ chức hoạt động hiệu quả và tin cậy, để bước tới tương lai ở một nhịp độ nhanh chóng bất kể cần bao nhiêu sự thay đổi để biến điều đó xảy ra.
Ngày nay rất ít các tổ chức có sự lãnh đạo hiệu quả. Nếu không biết phân biệt giữa quản lý và lãnh đạo, khi cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo, chúng ta lại đẩy mạnh công tác quản lý dẫn đến tình trạng thiếu lãnh đạo và thừa quản lý.
(Lược dịch: blog.hbr.org)
Kết luận:
1. Quản lý là các quá trình như lên kế hoạch, lập ngân sách, cơ cấu việc làm, bố trí công việc, đánh giá hoạt động và giải quyết vấn đề nhằm giúp tổ chức thực hiện những điều cần thiết để vận hành tốt còn lãnh đạo thường bao gồm định hướng tương lai cho tổ chức, tìm kiếm các cơ hội một cách nhanh chóng và khai thác thành công các cơ hội này.
2. Trong tiếng Anh có câu: “Managers do things right and Leaders do the right things”, được hiểu là các nhà quản lý luôn làm đúng mọi việc còn các nhà lãnh đạo chọn điều đúng để làm. Như vậy, trong một tổ chức, tuy quản lý là một công việc khó khăn nhưng lãnh đạo mới chính là linh hồn để dẵn dắt tổ chức đi đến thành công. Dù quản lý có tốt đến đâu mà với sự lãnh đạo lầm đường lạc lối, tổ chức không thể hoạt động hiệu quả.
3. Sự kết hợp giữa sự lãnh đạo và quản lý hiệu quả là không thể thiếu đối với một doanh nghiệp muốn đi đến thành công. Các nhà lãnh đạo nên tìm cho tổ chức những người quản lý giỏi, phù hợp với văn hóa, tình hình hoat động của công ty, tổ chức để giúp thực hiện các chiến lược, mục tiêu mà mình đưa ra một cách hiệu quả.
|
Best Group
|