Công ty gia đình - Làm sao để đàm phán thật hiệu quả?


Gia đình là một loạt các quan hệ rất đặc biệt và phức tạp và những mức độ này còn được đẩy lên cao hơn khi những người thân cũng chính là những đối tác trong công việc kinh doanh của bạn. Nhờ kiến thức và trải nghiệm thực tế của mình, hai giáo sư John A. Davis và Deepak Malhotra của trường Kinh doanh Havard đã chỉ ra năm cách thức để giúp cho những cuộc thương lượng trong môi trường kinh doanh gia đinh có thể đạt được hiệu quả cao mà không gây tổn hại đến tình cảm gia đình.

 

Điều đầu tiên khiến mối quan hệ gia đình trở nên khác biệt so với những quan hệ khác đó là các thành viên luôn gắn kết lâu dài với nhau, phụ thuộc vào nhau về mặt tình cảm cũng như là huyết thống. Điều này mang lại không ít lợi ích như sự trung thành, tin tưởng nhưng đôi khi nó cũng rất nhạy cảm và có thể khiến cuộc thương lượng của chúng ta chệch hướng và rất khó giải quyết. Thêm vào đó, khi hoạt động trong một công ty gia đình, bạn cùng lúc phải đóng rất nhiều vai trò. Bởi vậy, nhiều khi rất khó để chúng ta có thể cân bằng được những vai trò đó, nên là một người cha hay là một ông chủ, một cô con gái hay một phó giám đốc,… Trong những trường hợp cụ thể, bạn còn phải cân nhắc xem nên ưu tiên vai trò nào hơn, cái nào quan trọng và cần thiết hơn. Và điều này thì không hề đơn giản.

 

Năm lời khuyên dưới đây đã được chứng minh qua thực tế nó có thể giúp những cuộc thương lượng trong gia đình đạt hiệu quả tốt hơn, vừa giúp duy trì tốt các mối quan hệ. Việc áp dụng những lời khuyên này vào hoàn cảnh thực tế có thể khó hoặc thể dễ nhưng điều chắc chắn là nếu bạn làm tốt chúng, những cuộc thương lượng của bạn sẽ đều thành công.

 

1.        Phân tích thấu đáo cuộc đàm phán

Trước khi bạn đàm phán hay thương lượng thì việc rất cần thiết bạn phải làm là xem xét tất cả những yếu tố ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi cuộc đàm phán. Những điều như sở thích, nhu cầu, quyền lực và vai trò của mỗi bên tham gia sẽ là cái mà bạn phải quan tâm phân tích nhiều nhất.

Một thế mạnh điển hình của những cuộc thương lượng trong gia đình là  nhìn chung mỗi thành viên đều mong muốn đạt được  kết quả mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Bởi vì những người tham gia đàm phán ở đây đồng thời cũng là người thân trên thực tế, ngay cả khi những mối quan hệ này không liên quan đến cuộc thương lượng thì chúng cũng có những ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng. Ví dụ như một người cha thương lượng công việc với con trai của mình thì các mối quan hệ liên quan sẽ bao gồm ông chủ trực tiếp của người con trai cũng như đồng nghiệp và cấp dưới của anh ta, anh chị em trong nhà và cả người mẹ nữa. Người mẹ - người vợ này có thể không nắm giữ một vị trí nào trong công ty nhưng bà vẫn có một sức ảnh hưởng lớn đến cả hai cha con, thậm chí sự ủng hộ của bà có thể giúp quyết định cuối cùng hiệu quả và công bằng hơn.

 

2.        Không nên cố đánh bại bên kia của bàn đàm phán

Thắng lợi trong một cuộc đàm phán không có nghĩa là người còn lại phải chịu thua cuộc. Trái lại, những cuộc đàm phán thành công nhất phải có khả năng đạt được lợi ích của tất cả các bên ở mức cao nhất. Hơn nữa trên thực tế, việc cố để đánh bại phía bên kia của bàn đàm phán lại gây ra những tác động tiêu cực cho cả đôi bên và điều này cần hết sức tránh khi nhu cầu của bạn không chỉ là việc thắng cuộc mà còn là bảo vệ mối quan hệ gia đình.

 

3.        Tìm hiểu nhu cầu, động lực và triển vọng của phía bên kia

Có rất nhiều người nhìn nhận đàm phán là một cơ hội để thuyết phục hay gây ảnh hưởng đến bên kia về những điều mà ta muốn. Vì vậy họ không đặt mục tiêu lắng nghe hay học hỏi gì từ phía bên kia nhưng họ không chú ý đến một điều muốn đạt được muốn mục tiêu trên bàn đàm phán, bạn phải hiểu rõ đối tượng mà bạn đang đàm phán.

Hầu hết những thành viên trong gia đình đều có tinh thần tích cực khi đàm phán, bởi vậy nhiều người nghĩ rằng sẽ rất dễ dàng để họ có thể lắng nghe và thấu hiểu sở thích và nhu cầu của nhau. Tuy nhiên điều này là chưa đúng vì: Thứ nhất, nhu cầu muốn tìm hiểu về người thân thì thường ít hơn là đối với những người khác. Thứ hai, những quy tắc lâu đời trong gia đình có thể khiến việc nhìn nhận vai trò của mọi người gặp khó khăn hơn. Thứ ba, thông thường mọi gia đình đều không muốn có những tranh cãi hay thảo luận về những chủ đề nhạy cảm có thể đảo lộn trật tự vốn có. Kết quả là một buổi đàm phán nơi mọi người lắng nghe, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau thì thường không phổ biến trong các gia đình.

 

4.        Nhận dạng và thương lượng nhiều vấn đề cùng một lúc

Một cuộc thương lượng thành công là khi mỗi bên đều đạt được điều mình muốn nhất và đều nhượng bộ để bên kia đạt được điều họ muốn. Nhưng để làm được điều này, bạn cần phải nhận dạng được tất cả những vấn đề mà các bên quan tâm và thương lượng chúng cùng lúc. Khi làm điều này, ta sẽ dễ dàng hơn trong việc cân bằng các yếu tố khác nhau để đạt được kết quả tốt nhất. Hơn nữa, ta phải làm điều này vì các thành viên trong một công ty gia đình thường có rất nhiều sở thích và nhu cầu phức tạp, chồng chéo nhưng họ lại thường không nhìn nhận chúng một cách rõ ràng và minh bạch.

 

5.        Thương lượng dựa trên nhu cầu, không phải địa vị

Nếu chỉ dựa vào địa vị thì có những khúc mắc sẽ không bao giờ tìm được hướng giải quyết, nhưng nếu biết dựa vào nhu cầu thì việc tìm ra phương hướng hoà giải chung không phải là việc quá khó. Có những gia đình luôn khuyến khích các thành viên tự do phát triển ước mơ và thể hiện những sở thích của mình, họ có thể thoải mái tâm sự về các vấn đề cá nhân, nhu cầu,… Thậm chí ngay cả khi người đó chưa nhận thức rõ ràng về sở thích của mình thì sự ủng hộ và đông viên của các thành viên còn lại cũng có thể giúp đỡ họ rất nhiều. Để làm được điều này chúng ta cần có sự kiên nhẫn, không nên phán xét người khác và một thái độ tích cực với tất cả các lựa chọn của các thành viên trong gia đình. Nếu tạo dựng được một môi trường như vậy thì việc tìm hiểu sở thích và nhu cầu của mọi người sẽ rất dễ dàng và nhờ đó các cuộc đàm phán cũng dễ giải quyết hơn.

 

 Công ty gia đình là một hệ thống hoạt động đặc biệt được tạo nên bởi rất nhiều mối quan hệ phức tạp và đặc thù mà không mô hình kinh doanh nào khác có được. Làm việc trong một môi trường như vậy đòi hỏi ở bạn không chỉ khả năng tạo ra lợi ích cho công ty mà còn phải duy trì và giữ vững hoà hảo gia đình.

Năm lời khuyên súc tích trên đây đã được nghiên cứu và chứng minh bởi các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để có thể giúp bạn đảm bảo cả hai nhiệm vụ khó khăn trên và đạt được những kết quả đàm phán tốt đẹp nhất.

Chúc bạn thành công!

 

 

 

 

Viết bình luận
Tên của bạn (*):
Mail của bạn (*):
Mã:
 
Telex   VNI   Off