Đổi mới sáng tạo trong kinh doanh là một chủ đề nóng trong thời gian gần đây. Theo một bản khảo sát của công ty tư vấn CapGemini vào tháng 3 vừa qua, có đến 2/3 người trả lời nói rằng họ đang tiến hành phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và tỷ lệ phần trăm của các doanh nghiệp hàng đầu coi Đổi mới sáng tạo như là như một vai trò chính thức đã nhảy lên đến 10%.
Entrepreneur.com đã có một cuộc phỏng vấn với Jeffrey Phillips, đồng sáng lập của OVO - một hãng tư vấn về đổi mới sáng tạo được biết đến với blog Đổi mới sáng tạo có chủ đích (Innovation on Purpose), người đã giúp đỡ rất nhiều tổ chức phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo.
Entrepreneur: Chúng ta có thấy ở một vài doanh nghiệp văn hóa đổi mới sáng tạo rất thịnh vượng, nhưng cũng có những doanh nghiệp khác hoàn toàn không thấy bóng dáng của điều đó. Vậy những điều kiện nào đã ngăn cản đổi mới sáng tạo phát triển?
Phillips: Mọi công việc kinh doanh đều bắt đầu từ tư duy khởi nghiệp. Sẽ có ai đó quyết định đưa một sản phẩm, dịch vụ hay tính năng mới ra thị trường. Khi doanh nghiệp tăng trưởng, họ có thể có xu hướng ít tư duy sâu và ít bao quát hơn và bắt đầu nói rằng: “ Tôi đã có một thị trường nhất định và tôi muốn bảo vệ thị trường đó hay nền tảng khách hàng đó”. Vì thế họ sẽ phòng thủ thay vì tấn công sang thị trường mới. Một phần của điều này chính là tư duy văn hóa. Chúng ta có muốn nắm lấy những ý tưởng mới để tiếp tục mở rộng? Bạn cần tự hỏi “ Liệu tôi đã sẵn sàng cho phép thay đổi cấu trúc nền tảng của tổ chức và thích nghi khi người mới, ý tưởng mới, nhu cầu mới nổi lên?
Entrepreneur: Nhưng liệu việc thay đổi cấu trúc nền tảng của tổ chức có đáng để chấp nhận rủi ro không?
Phillips: Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Bạn muốn 100% của một doanh nghiệp triệu đô hay 10% của một doanh nghiệp 100 triệu đô? Rất nhiều doanh nhân lo sợ phải từ bỏ quyền kiểm soát trong tầm tay mình, vì thế họ không tận dụng cơ hội để thay đổi hoàn toàn thị trường, họ sợ phải thay đổi. Nhìn vào thị trường thiết bị nóng lạnh là một ví dụ. Khi mà các chủ doanh nghiệp mua hệ thống các thiết bị này, người CEO sẽ phải lo lắng về việc bảo dưỡng, bảo trì cũng và cả sự khấu hao tài sản. Vì thế hiện nay, rất nhiều nhà cung cấp thay vì bán sản phẩm đã chuyển sang cung cấp dịch vụ cho thuê hệ thống. Họ không thay đổi sản phẩm nhưng đã thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh. Đó là hình thức đổi mới sáng tạo khiến thay đổi cả một ngành công nghiệp, nhưng điều đó rất khó có thể xảy ra nếu người Lãnh đạo không cởi mở với sự thay đổi.
Entrepreneur: Đâu là động lực tốt nhất để các nhân viên trở nên đổi mới sáng tạo hơn?
Phillips: Nhìn chung, những động lực ngoại tại như tiền mặt hay phần thưởng không có tác dụng thúc đẩy hơn là việc cho phép mọi người phát triển ý tưởng của mình trong nền tảng kinh doanh của tổ chức. Những công ty như Google hay W.L Gore & Associates có thể đưa ra một lĩnh vực sản phẩm mới, đơn vị kinh doanh mới hay trung tâm lợi nhuận xung quanh ý tưởng và để nhân viên của mình dẫn dắt việc đó. Đó chính là động lực tốt nhất.
Entrepreneur: Làm thế nào bạn có thể giúp nhân viên tư duy theo một cách sáng tạo hơn?
Phillips: Đầu tiên, hãy để họ suy nghĩ về việc các xu hướng thế giới đang thay đổi như thế nào và doanh nghiệp bạn có thể thích nghi với thay đổi nó như thế nào và tại thời điểm nào. Những dịch chuyển xã hội to lớn về nhân khẩu học, thái độ và ưu tiên chọn lựa… có thể làm tăng hoặc giảm đáng kể nhu cầu của ngành kinh doanh. Khách hàng của bạn có thể yêu cầu dịch vụ nhanh hơn, sử dụng bền vững hơn hoặc những điều khác thật sự thay đổi phương thức bạn truyền tải dịch vụ hay sản phẩm đến khách hàng. Hãy trở nên quyết liệt và có tầm nhìn xa hơn, thay vì chỉ phòng thủ và phản ứng lại sự tấn công.
Hãy khuyến khích họ “đi vào chiếc giày của khách hàng” và trải nghiệm những gì mà khách hàng đang trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của mình. Từ đó có thể hiểu được những mong muốn hay mối quan tâm của khách hàng. Điều này có tác dụng gì? Đó chính là những cơ hội cho đổi mới sáng tạo. Tôi rất thích trang web Four Sight Online, một website giúp bạn hiểu được những vai trò đa dạng trong đổi mới sáng tạo và sẽ giúp bạn xác định tài năng nào sẽ giúp bạn thực hiện vai trò đổi mới sáng tạo, điều này rất hữu dụng trong các tổ chức.
Entrepreneur: Đâu là những kẻ hủy diệt đổi mới sáng tạo trong kinh doanh?
Phillips: Đầu tiên chính là sự phủ nhận những gì thị trường đang nói với bạn. Thứ hai chính là sự phụ thuộc vào nghiên cứu thị trường thứ cấp thay vì thực hiện nghiên cứu của chính bạn với khách hàng của mình. Và thứ ba chính là sự thất bại trong việc bắt nhịp với xu hướng. Các xu hướng không chỉ từ các đối thủ cạnh tranh mà còn đến từ những nơi xã hội hay chính phủ…
Entrepreneur: Liệu chúng ta có thể đo lường đổi mới sáng tạo?
Phillips: Nó phụ thuộc vào bạn muốn gì khi nói về đổi mới sáng tạo. Bạn cần xác định xem bạn đang muốn thay đổi điều gì với sự đổi mới sáng tạo và sau đó quyết định công cụ đo lường tốt nhất để xem xét quá trình thực hiện của mình như thế nào. Bạn có thể nói: chúng tôi muốn sản sinh ra thật nhiều ý tưởng hay biến đổi thật nhiều ý tưởng thành sản phẩm trong một quý. Có thể chúng tôi muốn thay đổi mô hình dịch vụ hay mô hình kinh doanh của mình, hay chúng tôi muốn đo lường dựa trên doanh thu. Nếu bạn muốn một tỷ lệ nhất định của doanh thu đến từ sản phẩm mới, bạn nên thường xuyên làm việc với các ý tưởng sản phẩm mới. Trong trường hợp khẩn cấp, đơn giản bạn có thể phá vỡ các nguyên tắc và đột nhiên trở nên đổi mới sáng tạo hơn.
(Theo Gwen Moran, lược dịch từ Businessinsider.com)
Visions Management Solutions’ comment
Đổi mới sáng tạo bao gồm việc bắt nhịp các xu hướng thay đổi và đổi mới sáng tạo cũng chính là một xu hướng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng ta cần phải xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong tổ chức? Có phải đơn thuần là để bắt kịp xu hướng của thời đại?
Tất nhiên là không, chúng ta phải đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển, đó gần như là một quy luật của tự nhiên. Bạn không thể chỉ khăng khăng phòng thủ trong cái vỏ bọc của mình bởi sẽ đến lúc vỏ bọc đấy không còn giá trị, bạn sẽ tụt lại phía sau các đối thủ và sẽ có thể phải dừng bước, đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế khó khăn, biến đổi liên tục và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Đổi mới sáng tạo chính là nền tảng để phát triển sản phẩm mới, thị trường mới, nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi tổ chức. Chính vì thế bạn nên bắt đầu xây dựng và phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp của mình ngay từ bây giờ.