Làm thế nào để kinh doanh thành công trong năm 2012

28-01-2012

key to success.jpg

2012 - Năm mới đến mang tới hy vọng và những kỳ vọng về sự thay đổi tích cực trong rất nhiều doanh nghiệp.

Bài viết xin chia sẻ lời khuyên của Dave Lanvisky dành cho các doanh nghiệp muốn đạt thành công trong năm 2012. Lanvisky là một chuyên gia nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực lập kế hoạch kinh doanh, huy động vốn và phát triển doanh nghiệp mới. Ông là một trong những sáng lập viên của công ty Growthink. Được thành lập năm 1999, công ty này đã hỗ trợ các khách hàng huy động hơn 1 tỷ đô la để phát triển kinh doanh.

Dave Lavinsky cho biết: “Có quá nhiều chủ doanh nghiệp chỉ tập trung vào các bảng báo cáo lỗ lãi của mình. Điều cốt yếu là bạn nên tập trung nhiều vào các tài sản của doanh nghiệp. Cái gì sẽ cho phép bạn mở rộng quy mô và phát triển công ty?”.

Để phát triển và thực hiện một kế hoạch kinh doanh mang lại hiệu quả cho bạn trong Năm Mới này, Lanvisky khuyên bạn hãy tập trung vào tài sản của công ty như: cơ sở dữ liệu về khách hàng, những nhân viên mới, những hệ thống mới và các đối tác liên kết. Chỉ tập trung chú ý vào lợi nhuận có thể khiến bạn mất phương hướng. Càng nhiều lợi nhuận càng tốt, nhưng càng nhiều khách hàng có thể là đòn bẩy cho sự phát triển nổi bật trong tương lai. Chú trọng vào kết quả đầu ra tất nhiên là rất quan trọng, tuy nhiên lập và thực hiện kế hoạch cũng sẽ giúp tăng số lượng khách hàng của bạn, từ đó phát triển công ty.

Lavinsky xác định những yếu tố dưới đây là những yếu tố chính trong một kế hoạch kinh doanh hiệu quả nếu như kế hoạch đó được dùng như kế hoạch chi tiết để phát triển doanh nghiệp. Nếu bạn dự định sử dụng kế hoạch kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư thì có rất nhiều yếu tố khác bạn nên chú ý. Đó là:

Sứ mệnh công ty: Lavinsky nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp đều không có Sứ mệnh hoặc nếu có thì họ đưa ra sứ mệnh rất chung chung, không có ý nghĩa gì. Hãy suy nghĩ về những gì bạn đang cố gắng để đạt được và bổ sung tầm nhìn vĩ mô đó Sứ mệnh của công ty. Bạn có thể tìm hiểu Sứ mệnh của Growthink để làm mẫu 

Phân tích SWOT:Bảng phân tích SWOT một cách toàn diện (bao gồm đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của công ty, cơ hội và thách thức của thị trường) là cơ sở quan trọng để đánh giá các cơ hội, nảy sinh các ý tưởng lớn và tập trung vào đích đến trong tương lai của công ty.

Các chiến lược marketing: Bạn hãy thử xem xét một cách kỹ lưỡng các chiến lược marketing hiện tại. Theo kinh nghiệm của Lavinsky, đại đa số các doanh nghiệp chỉ sử dụng một kênh duy nhất để quảng bá công việc kinh doanh của họ. “Bạn hãy khai thác sâu hơn và sử dụng các chiến lược khác nhau”, ông chia sẻ, “Bạn chỉ sử dụng quảng cáo trên radio thôi sao? Hãy hào phóng chi tiền cho hoạt động marketing như gửi thư trực tiếp, mua hàng chỉ bằng cách bấm chuột, quảng cáo qua ấn phẩm, và các phương thức marketing khác còn hơn là chỉ đi theo một con đường”. Lavinsky khuyên mỗi tháng bạn nên thử sử dụng một kênh quảng bá khác nhau và vào dịp cuối năm bạn sẽ có được một tài sản kinh doanh có giá trị khác: đó là tri thức đã được kiểm chứng về hoạt động marketing, bạn sẽ biết chiến lược nào có tác dụng và chiến lược nào không có hiệu quả.  

Các mục tiêu của công ty:“Đặt ra mục tiêu cho công ty trong 5 năm tới. Bạn dự kiến sẽ đạt được mức thu nhập bao nhiêu vào thời gian đó? Bạn sẽ bán công ty, hay vẫn duy trì quản lý như hiện tại, hoặc đưa công ty trở thành công ty đại chúng? Hãy vạch ra đường đi của bạn, và sau đó phân tách các mục tiêu và chiến lược trong kế hoạch từng năm một. Cơ hội nào tốt nhất bạn cần phải thực hiện năm nay để đạt được các mục tiêu trong 5 năm?

Các mục tiêu về tài sản kinh doanh: Hãy xây dựng kế hoạch cho các dự án dựa trên số lượng khách hàng, số lượng nhân viên, chi phí đào tạo, thiết bị mới và các chi phí khác, ví như trang thiết bị mới hoặc mở rộng văn phòng. Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc phát triển công ty.

Các chỉ số hiệu suất cốt yếu (KPI): Hầu hết các doanh nghiệp không theo dõi những vấn đề như số lượng khách ghé thăm trang web của họ, số lượng khách hàng tới cửa hàng, phần trăm doanh thu trong cửa hàng so với doanh thu trên website, các tỷ lệ phần trăm bán hàng nâng cấp, số lượng bán, số lượng giao dịch hoàn tất, các đề xuất đã phát hành,… Đây là điều rất quan trọng để có các chỉ số chi tiết, từ đó bạn có thể phân tích các vấn đề của công ty. 

Khi xác định các chỉ số hiệu suất cốt yếu của bạn cụ thể là gì, Lavinsky khuyên bạn nên tự hỏi bản thân hai câu hỏi đơn giản sau: Trong số năm đối thủ cạnh tranh lớn nhất, ai sẽ là đối thủ mà ta muốn mua lại nếu như ta có đủ khả năng? Tiếp đó, những yếu tố gì ta sẽ muốn biết để xác định đó là một thương vụ mua lại giá hời? Ví dụ, bạn sẽ mua lại công ty với tỷ lệ chuyển đổi doanh thu cao nhất, thống kê trang web cao nhất, hay là cơ sở khách hàng ổn định nhất hay không? Bây giờ bạn hãy tạo ra một phương pháp theo dõi những chỉ số cốt yếu này, những chỉ số mà dường như rất quan trọng với bạn.

Khách hàng mục tiêu: Xác định khách hàng của bạn thật cụ thể để có chiến lược  marketing phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Lavinsky chia sẻ, “Khám phá điều gì là quan trọng đối với họ, những lý do thực sự họ đưa ra, những gì họ làm và những vấn đề chủ yếu của họ là gì.” Bạn cũng nên bổ sung các thông tin về nhân khẩu học như giới tính, tuổi tác, dòng dõi, vị trí địa lý.

Nếu rõ đối tượng khách hàng của bạn là ai, bạn có thể sử dụng các ấn phẩm, chương trình phát sóng trên radio, các blog và các phương tiện khác để tiếp cận khách hàng. Bạn có thể trò chuyện với khách hàng hiệu quả hơn và đạt được tỷ lệ chuyển đổi doanh thu cao hơn. Nên nói chuyện với khách hàng càng chi tiết càng tốt. Hãy nhớ nguyên tắc 80/20; 20% khách hàng của bạn chiếm 80% lợi nhuận. Vậy 20% khách hàng của bạn là ai?

Bạn đang thu hẹp thị trường quá mức chăng? Lời khuyên của Lavinsky đưa ra là: " Hãy thu hẹp thị trường mục tiêu lại, và biến thị trường đó thành thị trường của bạn". Một khi bạn làm được điều này, bạn có thể phát triển ở các thị trường khác. Bạn cũng nên nhớ rằng bạn sẽ vẫn phục vụ những khách hàng không ở trong thị trường ngách của bạn, chứ nó không hạn chế như bạn nghĩ. Sẽ dễ dàng hơn khi bắt đầu từ quy mô nhỏ và sau đó phát triển rộng ra.

Phân tích sự cạnh tranh: Luôn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với những thử thách cạnh tranh không thể tránh được có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của công ty. Hãy xem xét kỹ lưỡng các đối thủ cạnh tranh của bạn và xác định các bước họ thực hiện thực sự đe dọa tới bạn là những bước gì. Thử tưởng tượng trường hợp xấu nhất và tự hỏi bản thân liệu bạn có thể giải quyết vấn đó không hay liệu công việc của bạn sẽ bị cản trở nhiều không? Bước tiếp theo bạn nên xác định bạn có thể làm gì trong hoàn cảnh hiện tại để ngăn chặn trường hợp xấu đó. Hãy giả định đối thủ cạnh tranh rất giỏi lập chiến lược và họ thực hiện những hành động mau lẹ. Sau đó, họ tiến hành những kế hoạch liền tiếp nhau.

Ví dụ, nếu đối thủ cạnh tranh mua lại một công ty khác như một phần của chiến lược phát triển, bây giờ bạn có thể làm gì để kiểm soát ảnh hưởng từ hành động này của họ? Lựa chọn thị trường ngách phù hợp và trở thành nhà cung cấp tốt nhất có tiếng trong ngành sẽ giúp bạn giảm bớt rủi ro này.

Thiết lập đội ngũ nhân viên cho mình:Thậm chí các doanh nghiệp độc quyền cũng có một đội ngũ nhân viên riêng. Vì vậy đừng cố gắng làm tất cả mọi việc một mình. Hãy cân nhắc về những trợ lý thực sự của bạn, những nhà cung cấp bên ngoài khác, hoặc những nhân viên nếu như bạn thuê họ. Bạn muốn họ đạt tới vị trí nào trong một năm tới tính từ bây giờ? Những kỹ năng nào họ sẽ cần được phát triển? Họ cần đào tạo hoặc tư vấn gì để đạt được vị trí bạn mong muốn? Có nhân viên nào làm việc không hiệu quả hay không? Những ai cần phát triển công ty của bạn? Bạn làm thế nào để bạn có thể tận dụng được các nguồn lực đó?

Kế hoạch hoạt động: Cuối cùng, kế hoạch hoạt động cũng có một vai trò rất quan trọng. Hãy xem xét kế hoạch 5 năm và những gì bạn muốn hoàn thành, xác định các chiến lược marketing, các dịch vụ hoặc sản phẩm bổ trợ mà bạn định cung cấp, và tất cả các sáng kiến quan trọng cho năm nay. Bạn nên sử dụng biểu đồ Gantt để có tầm nhìn bao quát cho từng dự án.

( Nguồn Inc.com)

Kinh doanh cũng có rủi ro và may mắn. Tuy nhiên không phải là không có cách nào để hạn chế những rủi ro, đón đầu và nắm bắt các cơ hội. Dù bạn là doanh nghiệp lớn hay nhỏ thì những lời khuyên của Lavinsky thật sự sẽ là kim chỉ nam để bạn có thể phát triển hơn nữa doanh nghiệp của mình.

Đánh giá toàn diện và cụ thể các hoạt động của công ty, các ảnh hưởng tác động của môi trường bên trong (đội ngũ nhân viên, cơ sở vật chất…..) và môi trường bên ngoài (đối thủ cạnh tranh, thị hiếu khách hàng……) sẽ giúp bạn giới hạn được thị trường mục tiêu của mình. Bạn nên hiểu rằng bạn không thể đủ khả năng cả nguồn nhân lực và vật lực để đáp ứng thỏa mãn tốt nhu cầu của tất cả các khách hàng khác nhau. Vì vậy, lựa chọn thị trường ngách, đánh giá đúng tiềm lực của công ty, định hướng rõ ràng cho nhân viên sẽ giúp bạn tạo lên sức cạnh tranh nổi bật so với các đối thủ khác. Đồng thời, bạn cũng có thể dần dần thâm nhập và phát triển sang các thị trường khác, một khi thị trường chủ chốt của bạn đã đủ mạnh và ổn định.

Một năm mới đã tới, hãy xây dựng cho công ty mình một chiến lược mới, một phương hướng mới hiệu quả hơn và tạo ra nguồn cảm hứng làm việc cho toàn thể nhân viên của công ty bạn. 

 

Bình luận (1)
bảo phương
Cảm ơn bài viết đã đưa ra những gợi ý rất hay và sát thực tế, rất đáng để học hỏi và thử nghiệm trong năm mới này. Mong rằng trang Best sẽ có nhiều bài viết hay như vậy nữa.
Viết bình luận
Tên của bạn (*):
Mail của bạn (*):
Mã:
 
Telex   VNI   Off