Trong thời kỳ khó khăn như hiện nay, khen thưởng nhân viên bằng vật chất là một biện pháp tốn kém và khó khả thi đối với nhiều tổ chức. Vậy làm thế nào để khích lệ tinh thần nhân viên mà không phải tốn chi phí?
Công ty Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Best (Best Training, Consulting & Promoting Co.) giới thiệu bài viết của doanh nhân trẻ đầy nhiệt huyết Pamela Hawley, CEO của tổ chức UniversalGiving.
Khi những khen thưởng tài chính không phải là biện pháp khả thi của tổ chức, bạn có thể khích lệ tinh thần nhân viên bằng những cách khác không tốn chi phí mà vẫn đạt được kết quả cao trong việc khích lệ tinh thần làm việc của họ. Đó chính là dành lời cảm ơn và khen ngợi cho những nhân viên xứng đáng.
Các thành viên trong nhóm luôn chờ đợi để các công việc vừa được hoàn thành của họ được công nhận bởi người quản lý hay lãnh đạo và hy vọng được nhận những lời khen ngợi vào cuối năm. Nếu may mắn, họ sẽ được công nhận thành tích vào giữa năm.
Đối với các nhà quản lý, khen ngợi, đánh giá nhân viên là một công việc giá trị, cần thiết và cần được ưu tiên bởi tầm quan trọng của nó có thể hơn những gì họ nghĩ.
Các nhà lãnh đạo giỏi là những người biết sử dụng công cụ này để khích lệ nỗ lực của các nhân viên giỏi nhằm giúp tổ chức phát triển. Vì vậy, việc khen ngợi nhân viên nên được thực hiện nhiều lần trong năm chứ không chỉ một lần.
Sau đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng:
1. Bỏ qua các lỗi nhỏ
Nếu có hiểu lầm hay lỗi lầm nhỏ, hãy bỏ qua ngay lập tức. Hãy nói với các thành viên trong nhóm rằng: “Đừng lo về điều đó” với giọng nói đầy sự tin tưởng và tiếp tục công việc. Họ sẽ cảm thấy được xoa dịu và không bao giờ cảm thấy e ngại và sợ bạn. Một lãnh đạo, quản lý giỏi không nên khiến các nhân viên sợ mình. Bạn có thể đưa ra các lời góp ý mang tính xây dựng chứ không nên là các lời phàn nàn trách móc.
2. Cảm ơn họ trong một cuộc họp
Khi được mọi người biết đến thành tích của mình, các cá nhân hay các nhóm sẽ có một tinh thần phấn khởi và đầy khích lệ. Các nhân viên khác cũng sẽ thấy cảm kích khi đồng nghiệp của họ được công nhận và cũng sẽ ấp ủ hy vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ được khen ngợi như thế.
3. Nhớ mang câu cảm ơn thường trực bên người
Cảm ơn họ ngay ở phòng bếp, trên đường đi ăn trưa, hay đường tới cuộc họp… Các cuộc đối thoại thân mật có ý nghĩa rất lớn trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên. Các lời cảm ơn không cần được sắp đặt trước, chân thực và khiến nhân viên cảm thấy rằng cá nhân bạn là người rất quan tâm tới người khác.
4. Khen ngợi một hành động tích cực qua email nhóm hay mạng xã hội
Nếu ai đó làm điều gì đó tích cực, hãy truyền đạt lại điều đó như một thực tiễn tốt đối với các thành viên còn lại trong nhóm. Tôi biết bạn rất bận, và điều đó chỉ mất nửa phút để thực hiện nhưng lại có tác dụng to lớn. Điều đó giúp bạn xây dựng được một ngân hàng niềm tin trong lòng người khác.
5. Ở vào trung tâm của cuộc trò chuyện
Nếu bạn có một văn phòng riêng, thỉnh thoảng hãy bước ra khỏi văn phòng, và ngồi nói chuyện với nhân viên của bạn. Mark Zuckerberg thực hiện điều này và anh có được 97% phiếu tín nhiệm từ các nhân viên của mình rằng anh đang dẫn dắt Facebook đi đúng hướng. Họ nghe lời, ngưỡng mộ và tin tưởng vào người lãnh đạo của mình.
Trong thời kỳ khó khăn này, chúng ta không phải lúc nào cũng có quỹ hay thời gian để khen ngợi các nhân viên xứng đáng theo một cách trang trọng. Tuy nhiên, bằng các bước này, các nhân viên của bạn sẽ được khích lệ và có tinh thần phấn khởi làm việc.
(Lược dịch: CEO.com)
Best’s comments:
1. Áp dụng năm bí quyết để có khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên: bỏ qua các lỗi nhỏ; tuyên dương thành tích của họ trong toàn tổ chức; giữ câu cảm ơn, khích lệ thường trực bên người ở mọi lúc mọi nơi; khen ngợi một hành động tích cực trong email nhóm hay mạng xã hội; trò chuyện thân mật với nhân viên.
2. Ai cũng muốn được khen ngợi và công nhận thành quả. Khi được khích lệ về mặt tinh thần, các nhân viên sẽ cảm thấy mình làm một phần gắn bó hơn trong tổ chức và có ý thức trách nhiệm hơn trong việc đưa tổ chức đi lên.
3. Bạn đã bao giờ tự đặt ra câu hỏi: “Liệu mình đã có một đội ngũ nhân viên xuất sắc hay chưa?” Nếu chưa, rất có thể không phải vì năng lực của họ hạn chế mà vì họ chưa có đủ động lực để hết mình với công việc hay chưa thật sự gắn bó và có tinh thần trách nhiệm với tổ chức. Sao bạn không thử áp dụng các bí quyết động viên và khích lệ nhân viên?